Latest Post

Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters
Tổng thống Donald Trump - Ảnh: Reuters

Theo báo New York Times, những tài liệu liên quan tới vấn đề nhập cư do Bộ An ninh Nội địa công bố ngày 21-2 cho thấy quy mô lớn trong các tham vọng kiểm soát nhập cư của tân Tổng thống Mỹ.

Trong đó bao gồm các hoạt động như công khai tội trạng do người nhập cư gây ra, điều động cảnh sát địa phương tham gia kiểm soát nhập cư, tước bỏ quyền riêng tư của người nhập cư, xây dựng thêm các cơ sở giam giữ, ngăn cản số người xin tị nạn và tăng tốc quá trình trục xuất những người nhập cư bất hợp pháp.

Chính sách kiểm soát nhập cư mang tính nghiêm ngặt này đã cụ thể hóa những tuyên bố ông Trump từng nêu ra trong chiến dịch tranh cử, mở rộng hết mức nội hàm định nghĩa "những người nước ngoài phạm tội", cho rằng những người nhập cư bất hợp pháp là các đối tượng coi thường pháp luật và là nguy cơ với người dân Mỹ.

Tuy nhiên bất chấp những cáo buộc của chính quyền Washington, các kết quả nghiên cứu lại cho thấy tỉ lệ phạm pháp trong số những người nhập cư Mỹ vẫn thấp hơn những người sinh ra tại quốc gia này.

Các chính sách kiểm soát nhập cư mới của Tổng thống Trump tuy vậy có thể được một bộ phận lực lượng thực thi pháp luật ở Mỹ hoan nghênh bởi lâu nay họ vẫn luôn kêu gọi cần phải có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với những người nhập cư bất hợp pháp.

Ngay cả một số nghị sĩ bên đảng Cộng hòa cũng cho rằng sự lơi lỏng trách nhiệm của lực lượng thực thi pháp luật là nguyên nhân khiến dòng người nhập cư đổ vào Mỹ không có dấu hiệu giảm bớt.

Những tác động tức thời của sự thay đổi chính sách này hiện chưa thể đánh giá hết. Tuy nhiên những người bảo vệ quyền lợi của người nhập cư cảnh báo rằng sự tăng cường kiểm soát khắt khe của chính quyền mới có thể sẽ tạo ra không khí lo sợ bao trùm và khiến những người nhập cư trái phép tiếp tục lẩn trốn sâu hơn nữa để tránh phải đối mặt với cơ quan chức năng.

Bộ An ninh nội địa dự định tuyển thêm 10.000 nhân viên mới để có thể đảm trách khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên ông Trump vẫn chưa bàn cụ thể việc liệu ông sẽ "lấy" đâu ra hàng tỉ USD ngân sách để trả lương cho hàng ngàn nhân viên kiểm soát biên giới, cho mạng lưới cơ sở giam giữ người nhập cư bất hợp pháp và cho việc xây dựng bức tường chắn ở biên giới phía nam với Mexico.

D. KIM THOA

Một trong những hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của đoàn viên thanh niên Vietcombank tại Khu chế xuất Linh Trung, TP.HCM - Ảnh: Đ.H.
Một trong những hoạt động nhằm nâng cao ý thức cộng đồng của đoàn viên thanh niên Vietcombank tại Khu chế xuất Linh Trung, TP.HCM - Ảnh: Đ.H.

Nhiều năm nay, chiều nào tan sở về theo ngã hầm tránh Linh Trung (Q.Thủ Đức, TP.HCM) tôi cũng hết sức khó chịu với những người bán dạo bằng xe máy có rơmoóc vì họ xả rác rất nhiều ngay nơi bán. Bên cạnh người bán xả rác, người mua cũng không kém cạnh.

7h30 sáng, khi các công nhân bắt đầu vào ca thì những con đường trong và ngoài xung quanh Khu chế xuất Linh Trung ngập rác.

Rác là những tô, ly nhựa, bịch nilông, giấy... của các công nhân ngồi ăn sáng bên vệ đường trước công ty vứt xuống đất. Khu chế xuất tại đây thành lập đã hơn 20 năm nhưng suốt hơn 20 năm, trừ ngày không có công nhân đi làm, còn lại ngày nào cũng 
như ngày nấy - đầy rác.

Nhiều người nói trị bệnh xả rác rất khó, cho dù mức phạt với hành vi vi phạm này đã tăng cao kể từ ngày 1-2-2017 (với mức phạt từ 3-5 triệu đồng với cá nhân vi phạm). Tôi nghĩ rằng sẽ không khó nếu như cơ quan chức năng thực sự có quyết tâm hạn 
chế tình trạng này.

Chị T., một người bán hàng trên lề đường trước Khu chế xuất Linh Trung, chỉ bịch nilông để dành đựng rác của chị và bức xúc: “Tôi bán dạo trên lề đường để mưu sinh qua ngày. Không bao giờ tôi xả rác và còn luôn tự giác nhặt nhạnh rác xung quanh chỗ mình bán cho thật sạch.

Trong khi đó những người đẩy xe bán dạo ngay giữa đường dẫn xuống hầm Linh Trung xả hết rác xuống đường mà chưa lần nào bị xử phạt. Nào có khó bắt đâu, cạnh xe bán mía cây là ngọn mía bừa bãi.

Cạnh xe bán cải là cải úa cải sâu tùm lum, cạnh chỗ bán cá là nước làm cá đổ thẳng ra đường. Bán thứ gì, rác thứ đó... khó gì mà không xử được?”.

Tôi cũng nghĩ rằng thay vì chi trả một số tiền không nhỏ cho lực lượng vệ sinh dọn dẹp rác từ công nhân xả ra, đơn vị quản lý khu chế xuất, công nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng lực lượng bảo vệ để ghi tên, ghi hình người xả rác và gửi cho lãnh đạo công ty để đề nghị có biện pháp nhắc nhở, thậm chí xử phạt.

Bị đánh vào “nồi cơm”, chắc chắn người quen xả rác bừa bãi bắt buộc phải điều chỉnh hành vi của mình.

Tuy nhiên, xử phạt chỉ là giải quyết phần ngọn của vấn đề. Phần gốc - chính là ý thức của từng người. Những người không xả rác bừa bãi thường là những người có nền giáo dục tốt từ gia đình.

Vì vậy, giáo dục ý thức vẫn là việc cần làm để trị căn bệnh xả rác. Và giáo dục phải bắt đầu từ gia đình và nhà trường - hai nơi quan trọng nhất trong việc rèn luyện nhân cách con người.

Về phía xã hội, cũng cần sự quan tâm của các ban ngành, đoàn thể, doanh nghiệp... thường xuyên tác động đến ý thức sống cộng đồng của người dân, đừng để những khẩu hiệu “không xả rác bừa bãi” cứ được đưa ra trong khi thực tế rác vẫn xả đầy ở mọi nơi.

ĐỖ THỊ HUỲNH HOA

“Ứng dụng tế bào gốc (TBG) trong điều trị thoái hóa khớp gối - là công trình nghiên cứu phối hợp từ năm 2013-2016 giữa các đơn vị điều trị Bệnh viện Nhân Dân 115 (TP.HCM), Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh (TP.HCM) và Phòng thí nghiệm tế bào gốc ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM.

Đây là phương pháp áp dụng TBG trung mô từ mô mỡ tự thân (lấy mô mỡ của chính người bệnh để tách chiết lấy TBG) tiêm vào khớp gối nhằm điều trị thoái hóa khớp.

Có 30 người bệnh thoái hóa khớp gối được điều trị, theo dõi đánh giá hiệu quả qua từng giai đoạn 6, 12 tháng, đang tiếp tục đến 18 tháng. Kết quả sau 12 tháng cho thấy người bệnh không bị đau khớp trở lại như phương pháp điều trị nội soi truyền thống, chức năng khớp được cải thiện, các lớp sụn dày hơn và tình trạng phù xương dưới sụn giảm. Tất cả các tổn thương xương dưới sụn đều phục hồi.

Nghiên cứu cũng cho thấy một số hạn chế: do là TBG tự thân của người bệnh nên không kiểm soát được số lượng, chất lượng TBG (người bệnh ốm quá khó có mỡ), nếu trường hợp thay đổi trục khớp nhiều sẽ giảm hiệu quả. Ở người bệnh lớn tuổi (trên 70 tuổi) chất lượng TBG cũng rất hạn chế...

Nghiên cứu “Ứng dụng TBG trong điều trị thoái hóa khớp gối” của các tác giả VN đã được chấp nhận công bố trên tạp chí quốc tế Stem Cells Translational Medicine ngày 28-7-2016, với quy trình bài bản, thực hiện nghiêm túc, có đối chiếu so sánh giữa phương pháp điều trị truyền thống là nội soi khớp gối và phương pháp TBG.

Người bệnh được chụp MRI để so sánh sự thay đổi của lớp sụn khớp và xương dưới sụn vào các thời điểm 6, 12, 18 tháng.

Đề tài đã được hội đồng khoa học Bộ Y tế nghiệm thu và qua thẩm định kết quả triển khai thí điểm, mới đây Bộ Y tế đã cho phép Bệnh viện Đa khoa Vạn Hạnh được áp dụng chính thức kỹ thuật điều trị thoái hóa khớp bằng TBG mô mỡ tự thân và huyết tương giàu tiểu cầu.

Được biết hiện nay tại các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan... cũng đã áp dụng kỹ thuật này.

Đại diện các trường quân đội tham gia tư vấn cho thí sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột ngày 18-2 - Ảnh: Thái Bá Dũng
Đại diện các trường quân đội tham gia tư vấn cho thí sinh tại Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp do báo Tuổi Trẻ tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột ngày 18-2 - Ảnh: Thái Bá Dũng

Cụ thể, trong xét tuyển đợt 1, thí sinh (TS) có nguyện vọng (NV) dự tuyển vào các trường trong quân đội bắt buộc phải đăng ký xét tuyển NV1 (NV cao nhất) vào trường đã nộp hồ sơ sơ tuyển.

Các NV còn lại TS đăng ký vào các trường ngoài quân đội hoặc hệ dân sự của các trường quân đội. Nếu TS không đăng ký xét tuyển NV1 sẽ không được tham gia xét tuyển.

Thứ tự NV: ưu tiên hay bình đẳng trong xét tuyển?

Trong khi đó, quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 của Bộ GD-ĐT ban hành trước đó quy định rất rõ: TS được đăng ký không giới hạn NV nhưng phải đánh số thứ tự ưu tiên của các NV. Thứ tự ưu tiên này chủ yếu có giá trị với mỗi TS trong xét tuyển: khi đã trúng tuyển NV cao hơn, sẽ không được xét các NV sau. Còn giữa các TS với nhau cùng đăng ký vào một ngành hay một trường thì dù thứ tự NV là bao nhiêu cũng sẽ được xét tuyển bình đẳng như nhau.

Nhiều TS có NV vào hệ quân sự trường quân đội bày tỏ băn khoăn: hướng dẫn tuyển sinh vào trường quân đội liệu có trái với quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT, khi bắt buộc TS phải đăng ký NV1 mới được xét tuyển hay không? Tại sao chỉ khi không trúng tuyển vào trường quân đội, TS mới được sử dụng các NV tiếp theo để xét tuyển vào hệ dân sự trường quân đội hoặc các trường ngoài quân đội khác?

Đáp lại thắc mắc này, Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết quy định đặc thù này của tuyển sinh quân đội đã nhận được sự đồng thuận, thống nhất từ chính Bộ GD-ĐT trong quá trình góp ý xây dựng quy chế tuyển sinh.

Ban tuyển sinh quân sự đã có văn bản gửi đến Bộ GD-ĐT, trong đó cũng đã nêu quy định đặc thù trong tuyển sinh quân đội là TS muốn đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội phải qua sơ tuyển về chính trị, sức khỏe, độ tuổi. TS phải đạt điều kiện sơ tuyển mới làm hồ sơ dự tuyển và phải đăng ký xét tuyển NV1 (NV cao nhất) vào một trường quân đội và chỉ được đăng ký một NV1 ngay từ khi sơ tuyển.

“Quá trình tuyển sinh đồng thời cũng là tuyển dụng vào biên chế chính thức của quân đội, do vậy chỉ tiêu tuyển sinh là pháp lệnh, số lượng thí sinh trúng tuyển phải bằng chỉ tiêu tuyển sinh, các trường không được tuyển thừa” - văn bản này nêu rõ.

Về cơ bản, các trường trong quân đội đều tuyển sinh trên địa bàn toàn quốc, chỉ tiêu tuyển sinh từng trường không bằng nhau (từ 50-600 chỉ tiêu/trường). Tuy nhiên quá trình tuyển chọn phải đảm bảo theo địa chỉ sử dụng, theo đối tượng nam - nữ, vùng miền hoặc từng quân khu. Tất cả TS đăng ký dự tuyển vào các trường trong quân đội đều phải qua sơ tuyển, quy định về tiêu chuẩn sức khỏe, chiều cao, cân nặng, tật khúc xạ... của một số trường là khác nhau.

Theo quy định của Ban tuyển sinh quân sự, hồ sơ sơ tuyển của TS trước khi xét tuyển đã được nộp về trường TS có NV xét tuyển và được hội đồng tuyển sinh các trường xem xét, phê duyệt và thông báo kết quả sơ tuyển cho từng TS.

Đã có sự thống nhất từ Bộ GD-ĐT

PGS.TS Nguyễn Phong Điền - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cho rằng việc các trường quân đội yêu cầu TS muốn xét tuyển phải đăng ký NV1 hoàn toàn không ảnh hưởng đến các trường khối dân sự.

“TS muốn vào trường quân đội thì phải thể hiện quyết tâm, đặt mục tiêu cao nhất vì quá trình học tập cũng chính là quá trình rèn luyện. Ngoài ra, đặc thù tuyển sinh quân đội cũng chính là tuyển dụng người học vào ngành nên quy trình tuyển sinh rất chặt chẽ.

Để xét tuyển ĐH ngoài quân đội, bình thường TS chỉ cần nộp hồ sơ và dự thi là xong, trong khi để thực hiện tuyển sinh quân sự, Ban tuyển sinh quân sự cùng quân đội địa phương phải thực hiện thêm nhiều khâu, từ sơ tuyển sức khỏe đến xác minh lý lịch... rất phức tạp” - ông Điền phân tích.

Ông Điền cho rằng bản thân các trường ĐH dân sự như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội rất ủng hộ chủ trương này. Thực tế năm 2016, không ít TS đã trúng tuyển đợt 1 vào trường ĐH dân sự, nhưng khi trường quân sự thông báo tuyển bổ sung đợt 2 thì các TS này lại xin rút hồ sơ để nộp vào trường quân đội ứng thí, khiến các trường ĐH dân sự bị động trong kế hoạch tuyển sinh.

Ngày 21-2, trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Thị Kim Phụng - vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho rằng trước hết nên hiểu từng quy định của quy chế tuyển sinh trong một chỉnh thể toàn diện, thống nhất.

Bà Phụng dẫn chứng điều 13 quy chế tuyển sinh ĐH chính quy của Bộ GD- ĐT đã quy định: “TS đăng ký xét tuyển vào các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, ngoài các quy định này còn phải thực hiện các quy định, hướng dẫn của bộ liên quan”.

Như vậy, quy chế tuyển sinh đã tính đến các yếu tố đặc thù của các trường thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, do các bộ hữu quan hướng dẫn.

Vậy quy định đặc thù này có làm ảnh hưởng quyền lợi thí sinh và gây khó các trường ĐH dân sự? Bà Phụng cho rằng ngoài mục đích nhằm tuyển TS có quyết tâm cao vào các trường công an, quân đội để sau này làm những công việc đặc thù, nhiều khó khăn, nguy hiểm, thì quy định này còn như một quy ước mà các trường đều mong muốn để tăng tính dự liệu trước, thực hiện chính sách ổn định trong tuyển sinh.

Đã đăng ký NV1 vào trường quân đội vẫn được thay đổi sau khi có kết quả thi

Đây là thông tin được đại diện Ban tuyển sinh quân sự (Bộ Quốc phòng) chính thức xác nhận với Tuổi Trẻ vào chiều 21-2.

Theo đó, ngay cả khi TS đã đăng ký NV1 vào trường quân đội và đã qua sơ tuyển, nhưng sau khi có kết quả thi, trong thời hạn quy định của Bộ GD-ĐT, nếu TS muốn thay đổi NV ưu tiên cao nhất sang trường ĐH ngoài quân đội thì vẫn được điều chỉnh bình thường để đảm bảo quyền lợi.

Để không phải trừ thí sinh ảo

“Quy định này xuất phát từ thực tế một số năm gần đây, các ngành đào tạo thuộc các trường quân đội, công an đều lấy điểm cao và được thí sinh ưu tiên chọn nhập học nếu đủ điều kiện trúng tuyển.

Thậm chí còn có tình trạng nhiều TS đã trúng tuyển ĐH ở các trường dân sự khi trúng tuyển trình độ CĐ, trung cấp thuộc các trường khối công an, quân đội (xét tuyển sau) lại muốn rút hồ sơ hoặc bỏ học ở trường ĐH để nhập học vào trình độ trung cấp, CĐ thuộc khối công an, quân đội, gây xáo trộn hoặc làm cho các trường phải gọi nhập học nhiều hơn chỉ tiêu để dự phòng dẫn đến khó quản lý chỉ tiêu và chất lượng đào tạo.

Vì vậy, quy định trên đã được Bộ GD-ĐT tiếp thu ý kiến của một số trường ĐH (cả khối dân sự và khối công an, quân đội), của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành khác đưa vào quy chế tuyển sinh để thống nhất thực hiện.

Các trường ĐH khối dân sự cũng mong muốn có quy định này để không phải trừ thí sinh ảo, yên tâm thực hiện đúng chỉ tiêu tuyển sinh” - bà Phụng nhấn mạnh.

NGỌC HÀ

Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu tại một buổi tiệc truyền thống ở thành phố Hamburg, Đức - Ảnh: Reuters
Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu trong chuyến thăm thành phố Hamburg, Đức - Ảnh: Reuters

“Một trong những lý do khiến Canada vẫn là một quốc gia mở cửa, là vì người Canada tin vào hệ thống phụ trách nhập cư của chúng ta, và sự toàn vẹn biên giới của chúng ta và sự giúp đỡ mà chúng ta mang đến cho người nhập cư -  những người đang tìm kiếm sự an toàn”, ông Trudeau phát biểu trước Quốc hội Canada hôm 21-2.

Trong vài tuần gần đây, vấn đề nhập cư/tị nạn ở Canada trở nên "nóng" hơn sau sắc lệnh hành pháp liên quan chuyện cấm nhập cư vào Mỹ đối với một số quốc gia đa số Hồi giáo.

Số người vượt biên từ Mỹ sang Canada vì thế tăng đột biến do họ lo ngại Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ mạnh tay với dân nhập cư bất hợp pháp.

Canada, mặc dù vậy vẫn đang chứng tỏ sự rộng lượng đối với vấn đề này, bất chấp việc phe đối lập bảo thủ muốn ngăn dòng người tị nạn vì lý do an ninh lẫn việc thiếu các nguồn lực để ứng phó.

Hãng tin Reuters cho biết một bức ảnh cảnh sát Canada tươi cười chào đón người nhập cư bất hợp pháp thậm chí đã trở thành hiện tượng trên mạng xã hội và truyền thông ở Canada.

Thủ tướng Trudeau nói thêm: “Chúng ta sẽ tiếp tục cân bằng giữa việc làm chặt chẽ hệ thống kiểm soát của mình và chấp nhận những người đang cần sự giúp đỡ”.

Trong khi đó, Bộ trưởng phụ trách vấn đề nhập cư Ahmed Hussen khẳng định Canada sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận an toàn cho nước thứ ba giữa Canada và Mỹ. Thỏa thuận này yêu cầu đưa trả người tị nạn về nơi xuất phát nếu những người này xin tị nạn ở biên giới Canada và Mỹ.

Tổ chức Ân xá quốc tế và các nhóm nhân quyền đang gây áp lực lên chính phủ Canada, kêu gọi từ bỏ thỏa thuận trên vì cho rằng Mỹ không phải địa điểm an toàn cho người tị nạn.

Trong động thái liên quan, cảnh sát Canada hôm 20-2 nói rằng họ đã tăng cường sự hiện diện ở khu vực biên giới ở Québec, và chính quyền đang thiết lập một trung tâm tạm thời cho người tị nạn để xử lý, theo Reuters.

Số lượng người tị nạn tại Québec đã tăng hơn gấp đôi từ năm 2015 đến 2016. Tháng trước, 452 người đã xin tị nạn ở Québec, so với 137 người vào thời điểm tháng 1-2016.

NHẬT ĐĂNG

Gia đình ông Phạm Văn Tiến có con đã 4 tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh do chưa đóng 2 triệu đồng “tự nguyện” - Ảnh: Doãn Hòa
Gia đình ông Phạm Văn Tiến có con đã 4 tuổi nhưng chưa có giấy khai sinh do chưa đóng 2 triệu đồng “tự nguyện” - Ảnh: Doãn Hòa

Ngày 21-2, anh Nguyễn Văn Chinh (33 tuổi, ngụ xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) phản ảnh ngày 14-2, anh đến xã làm giấy khai sinh con trai thứ 3 được hơn 20 ngày tuổi.

Cũng như nhiều hộ gia đình trong xã sinh con thứ 3 trước đó, anh Chinh được cán bộ tư pháp hướng dẫn sang gặp cán bộ dân số để “tự nguyện” đóng 2 triệu đồng rồi mới được làm giấy khai sinh. Theo anh Chinh, gia đình anh khó khăn nên không xoay đủ tiền để đóng.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều hộ gia đình sinh con thứ 3 ở xã Võ Liệt cũng phải đóng “tự nguyện” 2 triệu đồng mới được làm giấy khai sinh. Có một số gia đình do hoàn cảnh khó khăn nên dù con đã 4 tuổi, 7 tuổi vẫn chưa được cấp giấy khai sinh.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thủy - cán bộ dân số, kế hoạch hóa gia đình xã Võ Liệt - cho biết hằng năm xã đều cho người dân ký bản cam kết thực hiện chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình vì tỉ lệ sinh con thứ 3 của xã còn cao (hơn 22% trong năm 2016).

Trong bản cam kết có nội dung các hộ gia đình nếu vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình thì tự nguyện đóng góp một khoản kinh phí ít nhất 2 triệu đồng cho ban dân số, kế hoạch hóa gia đình xã để góp phần đầu tư cho công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình của địa phương.

“Chúng tôi thu của người dân trên tinh thần tự nguyện chứ không hề ép buộc, cũng không có chuyện phải đóng tiền mới được làm giấy khai sinh. Nếu hộ gia đình nào khó khăn thì viết đơn cho xóm trình bày hoàn cảnh, chúng tôi sẽ xem xét miễn, giảm” - bà Thủy nói.

Liên quan đến việc này, ông Trình Văn Nhã, phó chủ tịch UBND H.Thanh Chương, cho biết việc xã Võ Liệt yêu cầu dân làm bản cam kết dân số kế hoạch hóa gia đình là căn cứ theo các quy định về chính sách dân số của tỉnh nhằm hạn chế tỉ lệ sinh con thứ 3.

Tuy nhiên, việc xã căn cứ theo bản cam kết này để bắt người dân phải đóng 2 triệu đồng “tự nguyện” mới được cấp giấy khai sinh là hoàn toàn sai. Phía huyện sẽ kiểm tra, chỉ đạo xã cấp giấy khai sinh cho những trẻ mà gia đình chưa đóng tiền để đảm bảo quyền lợi cho các em.

DOÃN HÒA

Nhiều cán bộ trẻ huyện Cần Giờ TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung
Nhiều cán bộ trẻ huyện Cần Giờ, TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung

Đó là sự cọ xát cần thiết để có thể đảm nhận vị trí quản lý, lãnh đạo hiện tại.

Không có sự e ngại với người trẻ

Cuối năm 2006 khi vẫn còn là sinh viên năm 4 ĐH Kinh tế - luật, chị Ngô Thúy Ngọc (sinh năm 1983) đã được lựa chọn vào chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy TP.HCM. 30 tuổi - độ tuổi còn khá trẻ, chị được tin tưởng bổ nhiệm vào vị trí chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đảng ủy Khối dân chính đảng TP.HCM.

“Không có sự e ngại với các nhân tố trẻ khi cân nhắc bổ nhiệm vào các chức danh ở cơ quan tôi đang công tác. Phó trưởng ban tuyên giáo hiện nay ở đoàn khối cũng được bổ nhiệm khi mới 28 tuổi. Ở đây, tất cả dựa trên năng lực của bản thân, sự cầu thị, tiếp thu kinh nghiệm khi tiếp nhận công tác”, chị Ngọc chia sẻ.

“Tới thời điểm này nhìn lại, nhiều anh chị cùng diện với tôi cũng đang nắm giữ nhiều chức danh lãnh đạo ở các đơn vị, địa phương. Điều đó có nghĩa là TP đã sử dụng được các nguồn được quy hoạch, tạo điều kiện để người trẻ có chiều hướng phát triển tốt hơn”, chị Ngọc đánh giá.

Chị cho biết hàng năm Ban tổ chức Thành ủy đều gửi phiếu đánh giá đối với cán bộ trong diện về kết quả làm việc tại các cơ quan, đơn vị, chiều hướng phát triển…

Va chạm để trưởng thành

Anh Đoàn Văn Đủ (35 tuổi), chủ tịch UBND phường 10, quận ủy viên quận Tân Bình, đã có nhiều năm công tác tại nhiều vị trí ở quận Tân Bình, từ thư ký Đảng ủy, bí thư Đảng ủy, liên đoàn lao động quận….

Anh chia sẻ ở vị trí hiện tại – chủ tịch phường 10 cũng chính là nơi thử thách nhất với anh: “Phường có tới chín block chung cư. Vấn đề mâu thuẫn giữa ban quản trị, nhà đầu tư và các hộ dân âm ỉ nhiều năm nay, báo chí phản ánh nhiều lần nhưng vẫn tồn tại dai dẳng do việc áp dụng chế tài khó khăn, người dân không chấp hành…”.

Tuy nhiên, với anh, những môi trường khó khăn cũng chính là nơi những người trẻ có đất dụng võ. “Tài sản lớn nhất của người trẻ là sự quyết đoán, nhanh nhạy, tư duy đổi mới và có thể áp dụng các phương tiện hiện đại để phục vụ công việc”, anh Đủ chia sẻ. Anh cũng cho rằng hiện nay các cán bộ, lãnh đạo trẻ cần mạnh dạn đưa ra nhiều sáng kiến hơn nữa.

Một cán bộ trẻ Sở Tư pháp TP.HCM cho biết bản thân anh cũng nằm trong chương trình quy hoạch cán bộ dài hạn của Thành ủy TP.HCM.

Anh đánh giá cao tính thiết thực của các đề án quy hoạch cho cán bộ trẻ. “Có thể ở nhiều đơn vị hành chính đã thực hiện, nhưng cụ thể hóa thành chính sách như TP Đà Nẵng vừa qua rất đáng quan tâm. Đặc biệt đây là cơ hội cho cán bộ trẻ” - anh nói.

Cán bộ trẻ quận Gò Vấp, TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung

Theo anh, cơ chế chính sách nhà nước ngày càng tạo cơ hội và quan tâm đặc biệt đến tầng lớp trẻ kế thừa, tạo điều kiện để các bạn tiếp cận, hoàn thiện và vận dụng năng lực để đảm nhiệm các vị trí khó, quan trọng.

“Để đảm nhận được các vị trí đó, rõ ràng bản thân cần có ý chí cầu tiến, năng lực và khả năng. Quan trọng là đơn vị công tác nhìn thấy tầm quan trọng của việc nâng cao tầng lớp kế thừa” - anh chia sẻ.

Tuy nhiên, anh nhìn nhận cơ hội có, môi trường có nhưng phần quan trọng là ở các bạn trẻ. Có nhiều người dù được tín nhiệm nhưng vẫn thấy có áp lực trước trọng trách mới.

“Rõ ràng mình chưa có quá trình cống hiến, kinh qua nhiều vị trí chủ chốt để có kinh nghiệm thực tiễn… Nhưng bản thân ý thức làm sao để phấn đấu, tự mình đặt ra áp lực để phát triển.

Tiêu chí tôi đặt ra là tiếp cận công việc nhanh, nắm bắt và thực hiện công việc thật tốt, quan trọng là đề cao tư duy sáng tạo. Bên cạnh đó, tinh thần và thái độ làm việc phải đưa lên đầu, dù giỏi nhưng không làm hết sức mình thì giỏi cũng không được trọng” - anh nhìn nhận. Anh cũng nhấn mạnh thêm tinh thần và thái độ làm việc là vấn đề còn hạn chế ở giới trẻ ngày nay cần được lưu ý.

Cần phân cấp rõ hơn

Theo chị Ngô Thúy Ngọc, việc đưa vào quy hoạch, tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo tại TP.HCM hiện nay cần phân cấp rõ ràng hơn cho từng cấp lãnh đạo, có lộ trình quy hoạch rõ ràng so với nguồn đầu vào là sinh viên hoặc cán bộ, viên chức mới tiếp cận nhiệm vụ nhưng được đào tạo bài bản.

Cụ thể là phân cấp ra các diện do địa phương quản lý, diện Thành ủy quản lý, diện lãnh đạo TP. “Khi đã đảm nhận các vị trí lãnh đạo cao hơn thì cần có phân cấp cụ thể hơn để có lộ trình đào tạo, chuẩn hóa chức danh cho phù hợp để khi cần bố trí thì có thể đáp ứng yêu cầu công việc. Bởi vì khi làm nhiệm vụ ở tầm quản lý thì ngoài kiến thức chuyên môn phải có kỹ năng quản lý, điều hành”, chị Ngọc nêu.

Nhiều thành viên câu lạc bộ cán bộ trẻ “Vững Bước” huyện Bình Chánh TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung
Nhiều thành viên câu lạc bộ cán bộ trẻ “Vững bước” huyện Bình Chánh, TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung
Nhiều cán bộ trẻ quận Bình Tân TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung
Nhiều cán bộ trẻ quận Bình Tân, TP.HCM trong chương trình tạo nguồn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý trẻ tuổi của Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung
VŨ THỦY - DIỆU NGUYỄN

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.