Các khách mời tại buổi tọa đàm ở báo Tuổi trẻ ngày 21-2. Ảnh: Quang Định
Các khách mời tại buổi tọa đàm ở báo Tuổi trẻ ngày 21-2. Ảnh: Quang Định

Đó là các nội dung được đưa ra tại tọa đàm “Hướng giải pháp ngăn chặn thực phẩm bẩn”, do Báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Hội Doanh nghiệp Hàng VN chất lượng cao tổ chức sáng 21-2.

 “Bấn loạn” vì tràn lan thực phẩm không an toàn

Theo NSUT Kim Xuân, việc truyền thông đồng lòng đi tìm thực phẩm sạch cho người tiêu dùng là điều đáng quý. “Tại sao ngay chính đất nước mình đi tìm thực phẩm an toàn, sạch ngày càng trở nên khó khăn như vậy”, NSUT Kim Xuân trăn trở.  

Là một người nội trợ, NSUT Kim Xuân cho rằng, thách thức lớn nhất hiện nay đối với cá nhân bà là làm sao chuẩn bị được một bữa ăn ngon, sạch cho gia đình. Trước đây, thì chỉ cần ra chợ mua thực phẩm là có cảm giác an toàn. Nhưng bây giờ thì không thể như vậy được nữa rồi, vì không còn rõ nguồn gốc đến từ đâu.  Thậm chí, khi mua gạo từ trong siêu thị có uy tín, cũng chưa hẳn là yên lòng.

"Ta đang giết đồng bào ta", nói vậy có vẻ ghê gớm, nhưng nghệ sỹ Kim Xuân cho rằng đang có không ít người vẫn kinh doanh hàng hóa nguy hiểm chỉ vì chút lợi nhuận. Ảnh: Quang Định

“Chúng ta đang làm gì trên đất nước của mình, khi sự hỗn độn mất an toàn ngày càng trở nên phổ biến? Đừng chỉ vì lý do có ít tiền mà đi mua những thứ độc hại để về bán cho người dân mình. Ta đang giết đồng bào ta, nói có vẻ ghê gớm, nhưng thật sự có không ít người vì hám lợi dù biết nguy hiểm vẫn kinh doanh” – bà Xuân trăn trở và cho rằng việc đi tìm một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ người tiêu dùng trong chính bữa ăn hàng ngày vẫn là một thách thức rất lớn…

Đồng tình với chia sẻ của NSUT Kim Xuân, ông Mã Vĩnh Trường An, giám đốc Kinh doanh và tiếp thị Công ty thực phẩm La Cusina, cũng có cảm giác người dân  “hoảng hốt” trước vấn nạn thực phẩm bẩn ngày một hoành hành trong xã hội, dẫn đến việc mất niềm tin không chỉ vào sản phẩm, mà với cả chính nhà sản xuất.  

“Xã hội  đang sợ hãi thực phẩm bẩn. Nhiệm vụ của doanh nghiệp là làm sao sản xuất ra thực phẩm sạch để xua tan đi nỗi sợ hãi của người tiêu dùng”, ông Trường An nhấn mạnh.

Theo ông Trường An, việc thiếu thông tin cũng là một trong những nguyên nhân khiến người dân có cảm giác bất an với thực phẩm nói chung. Nên giải pháp cần được lưu ý là tìm cách cung cấp thông tin một cách đầy đủ, kịp thời cho người dân được biết dưới nhiều hình thức, cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần được Nhà nước, cơ quan truyền thông lẫn doanh nghiệp chung tay thực hiện.

Quy trình sản xuất thực phẩm an toàn bị bỏ qua

Bà Kim Hạnh: nỗi lo về chất cấm, các hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình trồng, chế biến hay bảo quản đang được NTD quan tâm nhiều nhất. Ảnh: Quang Định

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, cho rằng tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng vượt tầm kiểm soát. Kết quả phân tích nỗi lo của người tiêu dùng mà Hội doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao vừa thực hiện cho thấy nỗi lo về chất cấm, các hóa chất độc hại được sử dụng trong quá trình trồng, chế biến hay bảo quản được người tiêu dùng quan tâm nhiều nhất. Hay, nỗi lo nhiễm vi sinh, độc tố chứa sẵn trong đất bị nhiễm độc trong quá trình nuôi, trồng…cũng nhiều người tiêu dùng quan tâm  hiện nay, “vì điều này rất khó phát hiện, khó kiểm tra được”. Tình trạng trái cây bị bơm thuốc, chứa quá nhiều dư lượng thuốc trừ sâu…cũng trở nên phổ biến.

Trong khi đó, sản phẩm sạch, an toàn lại bị “tắc” đầu ra, dù xã hội đang rất cần nguồn cung thực phẩm sạch, liệu có mâu thuẫn?

Lý giải về vấn đề này, ông Phạm Thái Bình, tổng giám đốc Công ty CP  nông nghiệp công nghệ cao Trung An, cho rằng chưa hẳn là bị tắc đầu ra, mà do niềm tin của người tiêu dùng bị mất vào hàng nông sản VN quá lớn.  

Ông Phạm Thế Bình: Tình trạng lúa gần chín rồi nhưng vẫn bị phun thuốc để hạt lúa giữ nước lại, tăng trọng là  khá phổ biến. Ảnh: Quang Định

Theo ông Bình, doanh nghiệp cứ tự cho rằng minh sản xuất sạch, nhưng không chứng minh được lời đã nói. Nên việc người tiêu dùng lo lắng là đương nhiên. Là doanh nghiệp chuyên trồng và sản xuất lúa gạo, ông Bình cho biết thực trạng “lúa gần chín rồi mà còn bị phun thuốc để cho hạt lúa giữ nước lại, tăng trọng lên cho hạt gạo” khá phổ biến, dẫn đến hạt gạo cũng không còn an toàn. Chính vì vậy, việc Nhà nước kêu gọi xây dựng các vùng nguyên liệu sạch, hữu cơ là hoàn toàn kịp thời và chính đáng. “Điều này đã muộn, nhưng thà có còn hơn không”.

Theo chuyên gia Vũ Thế Thành, đã ra thị trường thì không còn thực phẩm bẩn hay sạch, mà chỉ có một tiêu chuẩn duy nhất là an toàn.

Ông Thành nêu các chất bảo vệ thực vật có trong danh mục phần lớn đều an toàn.  Nhưng thực tế ông vẫn băn khoăn không hiểu vì sao người nông dân lại mua được rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật không có trong danh mục, với tính năng “hủy diệt” siêu mạnh, siêu nhanh.  “Nông dân họ mua ở đâu, cơ quan nào quản lý để việc tùy tiện mua và sử dụng tràn lan thuốc bảo vệ thực vật độc hại  như vậy”, ông Thành để ngỏ câu hỏi.

Chia sẻ trăn trở với ông Thành, ông Võ Hoàng Anh, giám đốc marketing Saigon Co.op, nêu Saigon Co.op đã phải áp dụng quy trình kiểm soát ba lớp để bảo đảm hàng hóa an toàn. “Chúng tôi có đặt ra các tiêu chuẩn cao hơn, và sẵn sàng ngưng kinh doanh đối với các sản phẩm không rõ nguồn gốc. Ví dụ như gà dai từ Hàn Quốc, tỏi nhập khẩu từ Trung Quốc, Saigon Co.op đã ngưng kinh doanh khi có thông tin không đảm bảo, chấp nhận thiệt thòi về doanh thu”, ông Hoàng Anh thông tin.

Theo các diễn giả tham gia tọa đàm, việc doanh nghiệp phải kiểm soát được quy trình sản xuất theo đúng tiêu chuẩn chất lượng, quy định do Nhà nước đã ban hành trong sản xuất, kinh doanh và chế biến là điều cấp bách, nếu muốn lấy lại niềm tin của người tiêu dùng.

Đồng thời, việc kiểm soát được quy trình sản xuất theo hướng truy suất nguồn gốc, từ nguyên liệu chế biến cho đến thành phẩm hoàn chỉnh, gần như là xu hướng bắt buộc doanh nghiệp phải tuân thủ trong xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay.

TRẦN VŨ NGHI – NHƯ BÌNH
Nhãn:

Đăng nhận xét

ivythemes

Bài dang phổ biến

Bi?u m?u liên h?

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.